SINH VIÊN VÀ VẤN ĐÈ LÀM THÊM
“Làm thêm” hay sinh viên thường gọi với cái tên là “part-time job” có lẽ là một chủ đề rất được sự quan tâm của rất nhiều bạn sinh viên khi được đề cập, chính vì vậy trong bài viết này, tác giả sẽ bàn về vấn đề làm thêm của sinh viên: lý do sinh viên đi làm thêm, những mặt tích cực - tiêu cực của việc sinh viên đi làm thêm và những công việc sinh viên có thể làm thêm ngoài giờ học.
Bàn về lý do vì sao sinh viên lại thích đi làm thêm, tác giả cho rằng đối với mỗi sinh viên, có thể sẽ có những lý do cá nhân riêng. Thường thì rất nhiều bạn nghĩ chỉ có những sinh viên gia đình khó khăn mới đi làm thêm, vì họ muốn kiếm thêm thu nhập để giúp đỡ cho gia đình, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ trong việc tang trải học phí, chi phí ăn ở... Nhưng trên thực tế, có những bạn sinh vien gia đình rất khá giả vẫn tìm kiếm những công việc làm thêm ngoài giờ. Điều đó chứng tỏ rằng, ngoài yếu tố thu nhập, có rất nhiều bạn sinh viên muốn làm thêm những công việc ngoài giờ vì họ xem đó như là cơ hội để cọ xát, đi vào thực tế và có thể rèn luyện những kỹ năng, tích lũy những kinh nghiệm mà trường học sẽ khó giúp họ có được.
Tuy nhiên, khi đi đến quyết định làm thêm, các bạn sinh viên cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng vì “ làm thêm” có thể là một con dao hai lưỡi. Nó là hai mặt của một vấn đề: mặt tích cực và mặt tiêu cực.
Xét về mặt tích cực, khi đi làm thêm, sinh viên sẽ có được một khoản thu nhập, sinh viên sẽ được tiêu chính những đồng tiền do mồ hôi công- sức lao động do chính họ bỏ ra, lúc đó họ sẽ biết trân trọng giá trị của đồng tiền hơn, biết tiêu xài một cách hợp lý hơn. Thứ hai, nếu sinh viên đi làm thêm có liên quan đến chuyên ngành mình đang học thì đó là một cơ hội để sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tế và đúc rút những bài học kinh nghiệm cho mình. Thứ ba, việc đi làm thêm sẽ giúp cho sinh viên gia tăng các mối quan hệ xã hội, cải thiện kỹ năng giao tiếp, các kỹ năng mềm mà trên giảng đường sinh viên sẽ ít có cơ hội được rèn luyện. Thứ tư, việc sinh viên tự đi làm thêm sẽ giúp cho cá nhân đó rèn luyện tính tự lập, trưởng thành hơn và ít dựa dẫm vào người khác… Với những ích lợi đó, sau này khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, sinh viên sẽ không bị bỡ ngỡ và cảm thấy tự tin hơn.
Tuy nhiên, nó cũng sẽ có những mặt tiêu cực. Thứ nhất, có rất nhiều sinh viên vì quá mải mê sa chân vào kiếm tiền mà quên đi mất nhiệm vụ chính của mình vẫn là học tập. Thứ hai là việc làm thêm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc giờ giấc sinh hoạt của sinh viên. Điều này thực sự là không tốt. Ngoài ra, những sinh viên mới bắt đầu làm thêm, còn ít kinh nghiệm có thể bị lừa gạt, bị quịt tiền hoặc có thể là những hậu quả nặng nề hơn.
Tóm lại, khi đứng trước quyết định có đi làm thêm hay không, sinh viên cần cân nhắc kỹ lưỡng bằng cách tự trả lời những câu hỏi sau đây:
1. Với bạn bây giờ làm thêm quan trọng hơn hay học tập quan trọng hơn?
2. Mục tiêu của bạn khi quyết định đi làm thêm?
3. Kế hoạch cân bằng thời gian học tập của bạn ( cụ thể và chi tiết về thời gian dành cho học tập và làm thêm cùng các hoạt động khác)?
4. Bạn sẽ chọn điều gì nếu bắt buộc lựa chọn 1 trong 2 : Công việc và học tập?
Một số công việc mà các bạn sinh viên có thể lựa chọn để làm thêm
- Gia sư
- Nhân viên phục vụ : quán cà phê, nhà hàng….
- Cộng tác viên nghiên cứu thị trường
- Phát tờ rơi, catalog
- Nhân viên bán hàng
- Làm MC, PG,PB cho các hoạt động Promotion của doanh nghiệp
- Tự kinh doanh: trực tiếp, online…
Việc làm thêm có thể nói là một "hơi thở" không thể thiếu trong đời sống sinh viên. Mỗi sinh viên cần biết rõ năng lực của bản thân và đủ "tỉnh táo" để có thể tìm kiếm những công việc phù hợp cho riêng mình. Dù có làm bất cứ công việc nào thì cũng hãy nhớ rõ rằng nhiệm vụ chính của sinh viên trước hết vẫn là học tập! Học tập thật tốt cộng thêm vốn kĩ năng nghề nghiệp mà bạn có thì sợ gì ra trường không tìm được việc, không kiếm được tiền đúng không?
Có ý chí, có trình độ, bạn sẽ không phải e sợ bất cứ rào cản nào. Chúc cho tất cả các bạn đều thành công!
Phạm Thị Thùy Miên
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: