Đào tạo ngành kiến trúc để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay
Một trong những vấn đề của các trường đào tạo kiến trúc trong cả nước là làm thế nào để xây dựng một chương trình hợp lý, một phương pháp đào tạo hiệu quả để xây dựng, tạo lập được đầu ra đủ để đáp ứng được các yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế. Trong những chương trình, những phương pháp đào tạo ấy luôn gắn liền với phương thức đào tạo tín chỉ, một phương thức không còn mới trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên để vận dụng một cách hiệu quả chương trình, các phương pháp đào tạo theo phương thức tín chỉ thì chúng ta phải xét đến nhiều khía cạnh, để đảm bảo “con tàu” kiến trúc đi đúng theo quỹ đạo: Đào tạo một thế hệ Kiến trúc sư đủ “Tâm”, đủ “Tầm” góp sức xây dựng một xã hội văn minh, một đô thị hiên đại và một môi trường sống lý tưởng.
1. Xác định rõ mục tiêu và đối tượng đào tạo
Cần phải xác định rõ mục tiêu đào tạo cho hợp lý, các môn học đều được thực hiện dựa trên nguyên tắc cơ bản là bám sát với thực tế, với nội dung mà xã hội yêu cầu: bám sát với định hướng phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Khi xác định được rõ mục tiêu và đối tượng đào tạo phù hợp thì công việc còn lại của các giảng viên là thay đổi nội dung giảng dạy, phương pháp nghiên cứu và truyền đạt để phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó xây dựng tiêu chí “Không chủ động cung cấp những nội dung mình đang có mà cung cấp những nội dung cho người học và xã hội đang cần”.
2. Sự liên kết giữa các đồ án, môn học
Các đồ án và các môn học cần có sự liên kết chặt chẽ, có những móc xích quan trọng để tạo thành một chuỗi kiến thức thống nhất. Ví dụ khi thực hiện Đồ án thiết kế nhà ở sinh viên có thể vận dụng những môn học như Cơ sở kiến trúc 1 và 2 tiếp theo đồ án Cấu tạo kiến trúc (Đề xuất cho môn học cấu tạo kiến trúc được chia làm 2 phần: Lý thuyết và Đồ án) sinh viên có thể làm nhóm (2 đến 4 người) triển khai cấu tạo đồ án thiết kế nhà ở trên (chọn 1 trong các đồ án của nhóm và được giảng viên thống nhất), như vậy sinh viên vừa học được nguyên tắc thiết kế (làm ý, thể hiện một đồ án…) và hiểu rõ nội dung Hồ sơ kỹ thuật, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với thực tế. Một ví dụ khác như khi thực hiện Đồ án khách sạn và học kỳ sau sinh viên thực hiện đồ án Nội thất chúng ta cũng có thể thực hiện được phương pháp liên kết như trên.
Tóm lại, muốn thực hiện được sự liên kết giữa các đồ án, môn học để tạo thành một khối kiến thức thống nhất thì những nhà quản lý, những giảng viên phải luôn phát hiện và tìm ra những sự liên kết cần thiết nhất để hướng sinh viên tìm hiểu nội dung môn học theo những liên kết trên.
3. Đào tạo kiến trúc gắn liền yêu cầu hành nghề và yêu cầu hội nhập
Đào tạo Kiến trúc phải gắn liền với yêu cầu hành nghề. Quan điểm cũ cho rằng trong nhà trường cần tận dụng quỹ thời gian ít ỏi để chỉ thực hiện các hoạt động có tính hàn lâm, dành việc tiếp thu các vấn đề có tính thực tiễn ở giai đoạn hành nghề sau khi tốt nghiệp. Ngày nay các cơ quan tư vấn ngày càng thực dụng và muốn “ăn sẵn”. Yêu cầu của họ thật chính đáng khi chỉ thích tuyển những người có thể làm thực tế ngay mà không phí phạm thì giờ và tiền bạc vào việc đào tạo lại.
Đào tạo kiến trúc không thể xa rời kỹ năng thực hành. “Đào tạo lý thuyết gắn chặt với thực hành và thực tế” là những tiêu chí nên được áp dụng triệt để và hiệu quả, mô hình đào tạo theo xưởng vừa thực hành trên đồ án vừa hoạt động thực tế trên các dự án (những sản phẩm thiết kế được ký kết hợp đồng và thực thi trên thực tế). Phương pháp đào tạo này sẽ là cầu nối quan trọng để đưa người học hòa nhập với thực tế công việc sau khi ra trường: “Sản phẩm đào tạo được nghiệm thu trước khi ra trường”.
Kiến trúc là một ngành nằm trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật nên rất cần được giao thoa, trao đổi với khu vực và thế giới. Xu thế hội nhập hiện nay đang dần xoá đi những ranh giới về lãnh thổ giúp kiến trúc sư trên toàn thế giới có thêm nhiều cơ hội học hỏi nhau. Đứng trước tình hình đó, việc dạy cho người học khả năng thích nghi trong hoàn cảnh mới còn quan trọng hơn là dạy cho họ những kỹ thuật mới.
Vấn đề “thương hiệu để hội nhập” là một vấn đề rất quan trọng và cần được quan tâm một cách thích đáng, từ đó sẽ hình thành nên tính cạnh tranh cao để thu hút được các nguồn lực nhằm tạo nên sản phẩm đặc trưng cho riêng mình.
4. Trân trọng đội ngũ cán bộ giảng viên và khai thác nguồn tài nguyên
Đội ngũ giảng viên là tài sản quý giá của trường, việc trân trọng, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng hiệu quả là vấn đề quan trọng trong đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy, đặc biệt là các thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm, trải qua các công trình thực tế. Sự quan tâm không chỉ ở điều kiện vật chất, đãi ngộ mà còn là môi trường, điều kiện để phát huy các thành tích, khẳng định tên tuổi và phát huy trách nhiệm cá nhân trong công tác đào tạo, hướng dẫn sinh viên thực hành…
Một trong những nguồn tài nguyên là website của khoa, và các diễn đàn kiến trúc trong nước và quốc tế. Nếu chúng ta chú trọng phát huy hiệu quả thì đó thực sự là một kênh thông tin, một nguồn tài nguyên quý giá (cụ thể như các đồ án mẫu, xuất sắc..) để sinh viên kế tục và phát huy.
5. Kết luận
Để đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập đòi hỏi các cán bộ giảng viên phải nỗ lực hơn nữa, nghiên cứu, tiếp cận với thực tế và các phương pháp đào tạo tiên tiến trên thế giới, khai thác triệt để các ưu thế của internet và thư viện thì thầy và trò mới có cơ hội tự đào tạo, tự mình vươn ra biển lớn, trưởng thành và giành lấy những tri thức mong muốn.
ThS.KTS Lê Thị Thu Hà
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: