Các chiều hướng văn hóa khác biệt giữa các quốc gia
Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, các tổ chức đứng trước nhu cầu suử dụng lực lượng lao động đa dạng hóa, đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Làm thế nào để quản lý và sử dụng lực lượng lao động đa dạng hóa đó một cách hợp lý và hiệu quả, xây dựng nền văn hóa chung của tổ chức trên cơ sở hiểu biết văn hóa của lực lượng lao động và văn hóa của các quốc gia nơi tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh, luôn là một thách thức không nhỏ đối với các nhà quản trị trong các tập đoàn đa quốc gia. Để làm được điều đó, trước hết các nhà quản trị và từng thành viên tham gia trong các tổ chức đó cần có sự hiểu biết về đặc trưng văn hóa của mỗi quốc gia khác nhau. Một trong những cách tiếp cận phổ biến nhất được sử dụng để phân tích sự khác nhau giữa các nền văn hóa được Geert Hofstede thực hiện vào cuối những năm 70 của thế kỷ 20, giúp chúng ta hình dung về khác biệt giá trị văn hóa giữa các quốc gia ảnh hưởng đến cách thức suy nghĩ, đánh giá, hành động và cách giải quyết vấn đề của những người từ những nền văn hóa khác nhau. Những khác biệt về chiều hướng văn hóa giữa các quốc gia theo nghiên cứu của Hofstede gồm 5 chiều hướng:
Khoảng cách quyền lực: là mức độ mà người dân của một quốc gia chấp nhận rằng quyền lực trong các cơ quan quản lý và các tổ chức được phân bố không công bằng. Khoảng cách quyền lực lớn có nghĩa là sự bất bình đẳng lớn về quyền lực và tài sản trong một nền văn hóa. Khoảng cách quyền lực thấp là đặc trưng của các xã hội chú trọng vào sự công bằng và cơ hội nắm giữa các vị trí quan trọng trong tổ chức cho mọi người. Những nước có khoảng cách quyền lực cao như Ấn Độ (77), Malaixia (104), Singapor (74),... Những nước có khoảng cách quyền lực thấp như Đan Mạch (18), Thụy Điển (31), Na Uy (31), Israel (13),...
Chủ nghĩa cá nhân ngược với chủ nghĩa tập thể: chủ nghĩa cá nhân là mức độ con người thích hoạt động riêng lẻ hơn so với hoạt động theo nhóm. Tính cộng đồng nhấn mạnh vào một chế độ xã hội chặt chẽ trong đó con người muốn ở trong cùng một nhóm với người khác để bảo vệ và tương trợ lẫn nhau. Những nước có chủ nghĩa cá nhân cao như Canada (80), Mỹ (91), Australia (90), Anh (89), Thụy Điển (71), Đan Mạch (74),.... Những nước có chủ nghĩa cá nhân thấp (hay có nghĩa là chủ nghĩa tập thể cao) như Singapor (20), Hàn Quốc (18), Thái lan (20), Đài Loan (17), Indonesia (14),...
Nam tính: là mức độ mà một nền văn hóa coi trọng vai trò truyền thống của nam giới như thành tựu, quyền lực, sự kiểm soát, trái ngược với việc coi nam giới và nữ giới bình đẳng với nhau. Mức độ nam tính cao cho thấy nền văn hóa phân biệt vai trò của nam giới và nữ giới, và nam giới thống trị xã hội. Mức độ nam quyền thấp thể hiện nền văn hóa ít phân biệt vai trò của nam giới và nữ giới, đối xử với nữ giới công bằng như với nam giới ở mọi khía cạnh. Những quốc gia có chiều hướng nam tính cao như Nhật Bản (95), Mỹ (62), Đức (66), Italy (70), .... Những quốc gia có chiều hướng nam tính thấp như Na Uy (8), Thụy Điển (5), Đan Mạch (16), ...
Tránh né bất ổn: là mức độ mà các cá nhân trong quốc gia đó thích những tình huống ổn định hơn là những tình huống bất ổn. Tại các nền văn hóa có mức độ tránh né bất ổn cao, người dân lo lắng hơn về các tình huống không chắc chắn và mơ hồ, và thường sử dụng nhiều luật lệ và quy định để hạn chế sự bất ổn. Các nền văn hóa có mức độ tránh né bất ổn thấp dễ chấp nhận tình huống mơ hồ, ít tập trung vào luật lệ, sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn và tiếp nhận thay đổi dễ dàng hơn. Những nước có mức tránh né bất ổn cao gồm Bỉ (94), Bồ Đào Nha (104), Hy Lạp (112), Nhật Bản (92), Italy (75), Pháp (86),... Những nước có mức độ tránh né bất ổn thấp bao gồm Singapor (8), Thụy Điển (29), Đan Mạch (23),...
Định hướng dài hạn ngược với định hướng ngắn hạn: đây là đặc điểm mới nhất được bổ sung vào hệ thống đặc điểm của Hofstede để đo sự cam kết của xã hội với các giá trị truyền thống. Người dân trong một nền văn hóa có định hướng dài hạn thường hướng về tương lai và các giá trị tiết kiệm, kiên trì và truyền thống. Trong xã hội thiên về định hướng ngắn hạn, con người nhắm đến giá trị liên quan đến hiện tại, họ dễ chấp nhận thay đổi hơn. Các quốc gia có định hướng dài hạn cao như Nhật Bản (80), Hàn Quốc (75), Ấn Độ (61),... Các quốc gia có định hướng ngắn hạn hơn như Mỹ (29), Tây Ban Nha (19), Anh (25), Đức (31), Pháp (39),...
Các khía cạnh văn hóa có ảnh hưởng lớn đến các nhà nghiên cứu và các nhà quản trị trong các tổ chức đa dạng về văn hóa trong lực lượng lao động. Mặc dù thế giới đã có nhiều thay đổi, những nghiên cứu và số liệu nghiên cứu đưa ra chỉ từ nghiên cứu trong công ty IBM. Tuy nhiên những nghiên cứu về khác biệt giá trị văn hóa trên cũng trở thành một nền tảng quan trọng, được trích dẫn nhiều và định hướng cho những hiểu biết về giá trị giữa các nền văn hóa khác nhau.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: