Vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần
Vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần được gọi theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như vốn cổ đông (stockholders’ equity), vốn cổ phần (shareholders’ equity), vốn đầu tư của cổ đông (shareholders’ investment), hoặc vốn góp (capital). Trên Bảng cân đối, vốn chủ sở hữu được báo cáo bao gồm hai nguồn chính sau đây:
1. Vốn góp do các cổ đông đóng góp, được gọi là Vốn góp (Paid-in capital hoặc contributed capital).
2. Lợi nhuận giữ lại, được gọi là Retained Earnings.
Trên Bảng cân đối, phần Vốn chủ sở hữu được thể hiện như sau:
Vốn chủ sở hữu (Stockholders’ Equity)
Vốn góp (Paid-in capital):
Cổ phiếu thường (Common Stock) $330,000
Lợi nhuận giữ lại (Retained earnings) $80,000
Tổng vốn chủ sở hữu (Total stockholders’ equity) $410,000
Vốn góp được ghi chép riêng biệt theo từng loại cổ phiếu: Cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi. Nếu công ty chỉ phát hành một loại cổ phiếu thì kế toán sẽ ghi chép phần vốn góp này tại tài khoản Cổ phiếu thường (Common Stock) hoặc tài khoản Vốn góp (Capital Stock) (như trong ví dụ trên).
Lợi nhuận giữ lại là phần lợi nhuận ròng tích lũy mà công ty giữ lại sau khi đã chia cổ tức. Cổ tức là phần thu nhập của công ty được phân phối cho cổ đông. Ngoài tên gọi là Retained Earnings, lợi nhuận giữ lại còn có thể được gọi bằng các cách khác nhau như earnings retained for use in the business hoặc earnings reinvested in the business. Lợi nhuận ròng (Net income) làm tăng Lợi nhuận giữ lại, trong khi Lỗ và Cổ tức làm giảm Lợi nhuận giữ lại.
Hầu hết các doanh nghiệp đều kiếm được lợi nhuận không ít thì nhiều và các doanh nghiệp cũng không phân phối tất cả lợi nhuận kiếm được vào việc chia cổ tức, do đó, tài khoản Lợi nhuận giữ lại thường có số dư bên Có. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tài khoản này có thể có số dư bên Nợ. Số dư Nợ trên tài khoản Lợi nhuận giữ lại được gọi là thâm hụt (deficit). Thâm hụt tài khoản này xảy ra khi công ty bị lỗ lũy kế (cumulated net losses). Trường hợp này, trên phần Vốn chủ sở hữu, tổng vốn chủ sở hữu sẽ được tính bằng cách lấy Tổng vốn góp trừ đi phần thâm hụt.
Vốn góp từ việc phát hành cổ phần (Paid –in Capital from Issuing Stock)
Các đặc tính của Cổ phiếu (Characteristics of Stocks)
Cổ phiếu (STOCK): theo nội dung trong bài, những giao dịch liên quan đến “Cổ phiếu” sẽ được ghi chép và theo dõi trên tài khoản Vốn góp (theo tên tiếng Anh thống nhất là Paid in Capital. Tài khoản Vốn góp ghi chép và theo dõi nghiệp vụ đầu tư của cổ đông vào công ty).
Trong Giấy phép kinh doanh mà tiểu bang cấp cho công ty có quy định về số lượng cổ phần mà công ty được phép phát hành hoặc bán.
Thuật ngữ “Issued”: chỉ việc cổ phần được phát hành/bán cho cổ đông
Thuật ngữ “Outstanding”: cổ phần/cổ phiếu đang được lưu hành
Thuật ngữ “Declare”: công bố về việc chia cổ tức cho cổ đông
Thuật ngữ “Pay”: chi trả cổ tức.
Khi có yêu cầu, công ty cổ phần có thể phát hành giấy chứng nhận nắm giữ cổ phần (stock certificates) cho các cổ đông để làm bằng chứng của việc cổ đông có phần vốn góp tại công ty. Trên giấy chứng nhận thể hiện tên công ty, tên cổ đông và số lượng cổ phần sở hữu. Giấy chứng nhận còn có thể thể hiện mệnh giá của từng cổ phần (tức là giá trị bằng tiền gán cho từng cổ phần là bao nhiêu), trong kế toán Mỹ người ta sử dụng thuật ngữ par value. Cổ phần có thể được phát hành không có mệnh giá và người ta gọi là no-par stock. Một số tiểu bang có quy định là nếu công ty phát hành cổ phần không mệnh giá thì Hội đồng quản trị của công ty phải “gán”/đưa (assign) cho cổ phần này một giá trị cụ thể (stated value).
Đi kèm với quyền sở hữu cổ phần tại công ty là các quyền sau:
1. Quyền bầu cử.
2. Quyền được phân phối thu nhập.
3. Quyền được phân chia tài sản khi thanh lý doanh nghiệp.
Những loại cổ phần khác nhau thì việc hưởng những quyền này cũng khác nhau.
Các loại cổ phiếu (Classes of Stock)
a. Cổ phiếu thường (Common Stock):
Thông thường khi doanh nghiệp chỉ phát hành một loại cổ phiếu thì cổ phiếu đó sẽ được gọi là cổ phiếu thường. Mỗi cổ phần thường có quyền như nhau.
Các quyền này bao gồm: Quyền bầu cử
Quyền được phân phối thu nhập
Quyền được phân chia tài sản
b. Cổ phiếu ưu đãi (Preferred Stock):
Cổ phiếu ưu đãi có đặc quyền hơn so với cổ phiếu thường, ví dụ như quyền về phân phối cổ tức và phân chia tài sản.
Quyền được phân phối cổ tức của cổ phiếu ưu đãi được thể hiện bằng số tiền đô la hoặc bằng tỷ lệ % của mệnh giá mỗi cổ phần. Ví dụ, một cổ phần ưu đãi có mệnh giá $50 với cổ tức chia cho mỗi cổ phần là $4 sẽ được ghi bằng một trong hai cách sau: $4 preferred stock, $50 par or 8% preferred stock, $50 par, tạm dịch là $4 cho mỗi cổ phần ưu đãi có mệnh giá $50 hoặc 8% cho cổ phần ưu đãi mệnh giá $50. Vì cổ phiếu ưu đãi có quyền ưu tiên (đặc quyền) về cổ tức nên các cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi có nhiều cơ hội để nhận cổ tức hơn cổ đông nắm giữ cổ phiếu thường. Tuy nhiên, vì cổ tức được chia hay không còn tùy thuộc vào tình hình hoạt động của công ty nên công ty cũng không thể bảo đảm về việc chia cổ tức ngay cả cho những cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi. Do đó, chẳng có gì là đảm bảo về việc được chia cổ tức và cổ đông ưu đãi sẽ có thể chẳng nhận được gì cả. Một số loại cổ phiếu ưu đãi sau:
- Non-participating preferred stock: khi sở hữu loại cổ phiếu ưu đãi này, cổ tức tối đa mà cổ đông được chia chỉ ở mức cổ tức công bố thường niên mà thôi. Điều này có nghĩa là cổ tức được chia không được vượt quá mức cổ tức đã quy định. Do đó, nếu công ty làm ăn phát đạt và có rất nhiều lợi nhuận thì cổ đông nắm giữ những cổ phiếu này chỉ được chia cổ tức theo mức đã ghi rõ trên cổ phiếu, trong khi đó, các cổ đông thường có thể được chia cổ tức cao hơn rất nhiều.
- Cumulative Preferred Stock: cổ phiếu ưu đãi tích lũy cho phép cổ đông nắm giữ nó được quyền nhận cổ tức thông thường (regular dividends) chưa công bố (chưa chia) trong các năm trước. Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi tích lũy chưa được chia trong các năm trước sẽ được gọi là cổ tức còn khất lại (in arrears). Sau khi Cổ tức ưu đãi còn khất lại được chi trả xong, tiền cổ tức còn dư mới được chia cho cổ phiếu thường. Thông thường cổ tức còn khất lại phải được báo cáo trên báo cáo tài chính. Tóm lại, loại cổ phiếu này bảo đảm rằng cổ đông nắm giữ chúng sẽ nhận được TẤT CẢ cổ tức trước khi cổ tức được chia cho cổ đông nắm giữ cổ phiếu thường. Đây là loại cổ phiếu ưu đãi tốt nhất bởi vì loại cổ phiếu này đem lại bảo đảm tốt nhất về cổ tức.
Ngoài việc ưu đãi về cổ tức, cổ phiếu ưu đãi có thể đem lại ưu đãi về quyền được phân chia tài sản khi doanh nghiệp giải thể và thanh lý tài sản so với cổ phiếu thường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chủ nợ phải là người được hưởng quyền phân chia tài sản trước tiên rồi mới đến cổ đông ưu đãi, sau đó mới đến cổ đông thường.