Cấu trúc thị trường
Cấu trúc thị trường là một tập hợp các đặc tính của thị trường thể hiện môi trường kinh tế mà các doanh nghiệp hoạt động trong đó. Cấu trúc của một thị trường chi phối mức độ của quyền điều chỉnh giá của nhà quản lý doanh nghiệp trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Thực ra các đặc tính kinh tế để mô tả một thị trường không nhiều:
Các nhà nghiên cứu kinh tế vi mô đã phân tích hoạt động của các doanh nghiệp trong những cấu trúc thị trường khác nhau. Không có gì bất ngờ khi các nhà kinh tế học đã đặt tên cho những cấu trúc thị trường này như sau: cạnh tranh hoàn hảo, độc quyền, cạnh tranh độc quyền và độc quyền nhóm. Mỗi cấu trúc thị trường sẽ được miêu tả chi tiết hơn vào những chương sau, ở đây chúng ta sẽ thảo luận ngắn gọn những đặc tính thể hiện mức độ ảnh hưởng của cấu trúc thị trường đến quyết định định giá của người quản lý.
Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, một số lượng lớn các doanh nghiệp có quy mô tương đối nhỏ sản xuất những mặt hàng tương tự trong một thị trường không có rào cản nào cho những người mới muốn gia nhập. Các nhà quản lý doanh nghiệp hoạt động trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo là những người chấp nhận giá không có chút sức mạnh thị trường nào. Họ tự quyết định mức sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận tại mức giá đã được các lực lượng cung và cầu của thị trường quyết định. Vì không có rào cản gia nhập nên những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường sẽ làm cho giá thành bị giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất trung bình nên sẽ triệt tiêu lợi nhuận kinh tế. Rất nhiều thị trường nội địa và quốc tế trao đổi nông sản và các hàng hóa thương mại khác có đặc tính gần giống với thị trường cạnh tranh hoàn hảo.
Trong thị trường độc quyền, một doanh nghiệp riêng lẻ sản xuất một mặt hàng mà không có sản phẩm thay thế, được bảo vệ khỏi sự gia nhập tự do vào thị trường. Doanh nghiệp độc quyền là người định giá. Sức mạnh thị trường của doanh nghiệp độc quyền phụ thuộc vào khả năng khách hàng tìm kiếm được sản phẩm thay thế cho sản phẩm của doanh nghiệp. Mức giá của nhà độc quyền càng cao thì người tiêu dùng càng muốn mua sản phẩm của doanh nghiệp khác. Sự tồn tại của rào cản gia nhập thị trường cho phép doanh nghiệp độc quyền nâng giá mà không phải lo lắng về chuyện lợi nhuận kinh tế sẽ thu hút các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.
Trong thị trường cạnh tranh độc quyền, một số lượng lớn các doanh nghiệp có mối quan hệ tương đối nhỏ so với tổng kích thước của thị trường sản xuất những mặt hàng có sự khác biệt trong một thị trường không có sự bảo vệ của các rào cản gia nhập. Sự khác nhau duy nhất giữa cạnh tranh hoàn hảo và cạnh tranh độc quyền là sự khác biệt của sản phẩm đưa đến sức mạnh thị trường cho những nhà cạnh tranh độc quyền; họ có vẻ là những người thiết lập giá hơn là chấp nhận giá. Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, sự vắng mặt của các rào cản thị trường làm những doanh nghiệp mới gia nhập cuối cùng bị mất đi khoản lợi nhuận kinh tế. Thị trường kem đánh răng là một ví dụ của cạnh tranh độc quyền. Có rất nhiều loại và nhãn hiệu kem đánh răng gần giống nhay, nhưng không hoàn toàn thay thế cho nhau được. Các nhà sản xuất kem đánh răng tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của mình bằng cách sử dụng các hương vị khác nhau, chất làm sạch, làm trắng răng, nồng độ florua, và những nguyên liệu khác nữa, và một lượng lớn các hoạt động quảng cáo để tạo ra sự trung thành với nhãn hàng.
Trong cả ba thị trường kể trên, các nhà quản lý doanh nghiệp không cần xem xét phản ứng của các đối thủ cạnh tranh khi thay đổi mức giá. Doanh nghiệp độc quyền thì không có đối thủ, và doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền cũng khá nhỏ so với tổng kích thước của thị trường nên sự thay đổi giá thường không đến nỗi khiến các đối thủ phải tìm cách trả đũa; doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo thì tất nhiên sẽ không tìm cách lên xuống mức giá đã được định sẵn vì họ là những người chấp nhận giá. Ngược lại, xét trường hợp thị trường độc quyền nhóm, chỉ vài doanh nghiệp sản xuất hầu hết hoặc toàn bộ tổng sản lượng của thị trường, cho nên chính sách giá của bất kì một hãng nào cũng có tác động rõ rệt đến doanh thu của những hãng khác. Sự tương thuộc lẫn nhau của các doanh nghiệp trong thị trường độc quyền nhóm có nghĩa là mỗi động thái của bất kì một hãng nào cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các hãng còn lại. Chương 14 và Chương 15 sẽ cho chúng ta thấy quyết định phức tạp nhất trong mọi tình huống chính là quyết định mang tầm chiến lược trong thị trường độc quyền nhóm
Nguyễn Lê Giang Thiên dịch từ sách Managerial Economics, McGraw Hill, Christopher Thomas and S. Charles Maurice, 9th
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: