Vai trò của tài chính quốc tế
Trong điều kiện nền kinh tế mang tính toàn cầu hóa cao độ, tính phụ thuộc của nền kinh tế các nước ngày càng tăng lên, không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được mọi vấn đề nếu không mở rộng giao lưu kinh tế với các nước khác. Sự thật đó càng rõ ràng và khắt khe hơn đối với các quốc gia nghèo và chậm phát triển với cơ sở kỹ thuật còn thấp kém, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế quốc dân còn có hạn.
Trên bình diện quốc tế, việc tiến hành các hoạt động tài chính quốc tế tất yếu dẫn đến việc các nguồn tài chính được di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Điều đó cũng có nghĩa là thông qua các hoạt động tài chính quốc tế, các nguồn tài chính được phân phối lại trên phạm vi thế giới. Sự phân phối lại đó có thể có tác động tích cực, cũng có thể có tác động tiêu cực tới sự phát triển của mỗi quốc gia khác nhau cũng như của cả cộng đồng. Do đó, vấn đề được đặt ra cho mỗi quốc gia và cả cộng động là tổ chức các hoạt động tài chính quốc tế sao cho các nguồn tài chính được vận động đúng hướng và có lợi nhất. Đối với mỗi quốc gia, điều đó đòi hỏi phải được cân nhắc trên cả khía cạnh sử dụng các nguồn lực trong nước tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, trên cả khía cạnh khai thác và sử dụng các nguồn lực ngoài nước phục vụ cho sự phát triển của quốc gia mình. Đối với các quốc gia nghèo và chậm phát triển vấn đề tranh thủ các nguồn lực ngoài nước rất được coi trọng.
Bằng việc mở rộng các quan hệ tài chính thông qua các hình tức như: vay nợ quốc tế, viện trợ quốc tế, đầu tư quốc tế trực tiếp, tham gia vào thị trường vốn quốc tế,… các quốc gia có thể khai thác tốt hơn các nguồn lực tài chính từ các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế. Cùng với việc tổ chức cho các nguồn tài chính vận động trên bình diện quốc tế, các quốc gia có thể tranh thủ được công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, giải quyết các vấn đề về thị trường, lao động,…
Như vậy tài chính quốc tế trở thành công cụ quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực ngoài nước phục vị cho phát triển kinh tế – xã hội trong nước. Mặc dù nguồn lực trong nước luôn luôn là yếu tố quyết định nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nguồn lực ngoài nước trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia mà nền kinh tế của các “con rồng” châu Á trong mấy thập kỷ qua là một ví dụ điển hình
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: