Kiến trúc bền vững – Hãy học hỏi từ tự nhiên
Đây cũng là nguyên nhân chính tạo nên sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Nhưng theo IEA, chúng ta không có giải pháp ngắn hạn. Vấn đề là hiện nay các chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả còn quá chậm trễ khi góp phần vào việc giữ gìn sự bền vững của các đô thị. Cần có sự cân bằng giữa lượng khí thải và việc hấp thụ chúng để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Tái tạo năng lượng và tăng cường việc trồng rừng là rất cần thiết. Hành tinh này chỉ có thể tìm lại sự cân bằng phù hợp khi có sự chung tay của tất cả các quốc gia.
Vai trò của các KTS rất quan trọng. Quan điểm của thiết kế kiến trúc hiện nay là đi theo hướng bền vững, với mục đích đưa hành tinh chúng ta trở lại trạng thái cân bằng – Với mục tiêu tạo ra các công trình có tính bền vững về mặt xã hội và sinh thái, nhằm tăng cường sức khỏe của những cư dân sống bên trong công trình cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của công trình đối với môi trường.
Các KTS muốn tạo ra các công trình thân thiện với khí hậu hoặc phục hồi khí hậu. Các giải pháp hiện này chúng ta đang sử dụng là giảm thiểu chất thải, hạn chế tiêu thụ tài nguyên năng lượng không tái tạo (hay còn gọi là năng lượng hóa thạch: than đá, dầu mỏ, khí đốt…), tăng cường sử dụng năng lượng tự nhiên và vật liệu thân thiện với môi trường,…
Ngoài ra, còn một khía cạnh khác chúng ta cũng cần xem xét đó là việc học hỏi từ tự nhiên – thiết kế mô phỏng sinh học. Các loài động vật và thực vật đã qua một thời gian tồn tại lâu dài trên trái đất, và phát triển các chiến lược khác nhau để sinh tồn. Đây là nguồn cảm hứng vô tận cho các thiết kế phỏng sinh học, cung cấp các bài học phong phú để tạo nên những thiết kế bền vững.
Dưới đây chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ về thiết kế phỏng sinh học để bảo vệ môi trường:
Loài kiến ăn lá đào hầm tạo thành một mê cung dưới lòng đất có thể sâu tới 6m dưới mặt đất và có thể chứa 8 triệu con kiến. Có nhiều lỗ thông gió trong tổ kiến và thông với bên ngoài để không khí có thể ra vào. Đây có thể xem như một hệ thống thông gió tự nhiên.
Cũng tương tự như vậy, loài mối ở Zimbabwe cũng thường xây dựng những gò đất khổng lồ và tổ chức một hệ thống thông gió tự nhiên rất hoàn hảo. Bên trong các gò mối nuôi một loại nấm là nguồn thức ăn chính của chúng. Nhiệt độ này phải được giữ chính xác 30,5°C, trong khi nhiệt độ ở châu Phi bên ngoài có thể dao động từ 1,5°C vào ban đêm cho đến 40°C vào ban ngày. Những con mối đạt được kỳ tích đáng kể này nhờ xây dựng hệ thống lỗ thông hơi trong gò đất. Các lỗ thông dẫn xuống các khoang được làm mát bởi bùn ướt do thông với mực nước ngầm ở xa bên dưới và cũng thông lên đến đỉnh của gò đất. Bằng cách liên tục mở và đóng các lỗ thông hơi sưởi ấm và làm mát này trong suốt cả ngày, mối đã thành công trong việc giữ nhiệt độ ổn định bất chấp sự biến động nhiệt lớn bên ngoài.
KTS Mick Pearce đã nghiên cứu sử dụng chính xác chiến lược tương tự khi thiết kế Tòa nhà Eastgate ở thủ đô của Zimbabwe. Tòa nhà không có máy lạnh và hầu như không có hệ thống sưởi. Tòa nhà này sử dụng tổng năng lượng ít hơn 35% so với mức tiêu thụ trung bình của sáu tòa nhà thông thường khác có đầy đủ hệ thống HVAC ở Harare. Tiết kiệm chi phí vốn so với công trình có HVAC hoàn chỉnh là 10% tổng chi phí xây dựng. Điểm mấu chốt với giải pháp này là: Chủ sở hữu của tòa nhà Eastgate đã tiết kiệm được 3,5 triệu đô la cho một tòa nhà trị giá 36 triệu đô la vì không cần lắp đặt hệ thống điều hòa không khí. Khoản tiết kiệm này cũng được chuyển cho người thuê nhà: Giá thuê thấp hơn 20% so với các tòa nhà mới bên cạnh.
Công ty kỹ thuật Ove Amp & Partners, đã hợp tác với Mick Pearce về thiết kế, giám sát nhiệt độ hàng ngày bên ngoài và trong công trình. Biểu đồ của Ove Arup cho thấy nhiệt độ của tòa nhà thường nằm trong khoảng từ 23°C đến 25°C. Khoảng thông tầng, nơi dẫn gió đi qua, có thể mát hơn nhiều. Và không khí trong tòa nhà trong lành hơn nhiều so với trong các tòa nhà có máy điều hòa, nơi có tới 30% không khí được tái chế.
Theo báo cáo từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, tình trạng thiếu nước trầm trọng sẽ ảnh hưởng đến 4 tỷ người vào năm 2050. Mũi của lạc đà có thể truyền cảm hứng cho các giải pháp thiết kế để hạn chế bốc hơi từ các ao trữ nước, thiết kế hệ thống tưới tiêu hiệu quả hơn và học cách tốt nhất giảm thiểu thất thoát và thu hồi nước được sử dụng trong các quy trình công nghiệp.
Phòng thí nghiệm Thiết kế Tích hợp Sinh học tại Trường Kiến trúc Bartlett ở Anh lấy ý tưởng từ các loại tảo biển đã tạo ra một hệ thống mô-đun gạch khảm tảo có thể lọc thuốc nhuộm hóa học độc hại và kim loại nặng ra khỏi nước. Loại gạch này có tên là gạch Indus – sẽ được thiết kế để xây dựng tại những khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm. Và chúng ta có thể dội nước lên các viên gạch để rửa sạch chất bẩn.
Loài bướm đêm đã phát triển một con mắt đáng chú ý, thay vì phản xạ ánh sáng, nó hấp thụ gần như hoàn toàn. Các kỹ sư đã bắt chước cấu trúc nano của nó để thiết kế lớp phủ bảng điều khiển năng lượng mặt trời tốt hơn và các bề mặt chống phản xạ, và các nhà khoa học đang sử dụng nguyên tắc tương tự để thiết kế một màng mỏng sẽ hấp thụ bức xạ từ máy X-quang hiệu quả hơn.
Ngoài ra, mắt của loài bướm đêm có thể thu nhận nhiều loại sóng điện từ chứ không chỉ ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy. Dựa trên nghiên cứu đó, các nhà khoa học đã tìm ra vật liệu graphene có độ nhạy cao có thể hấp thụ không chỉ ánh sáng mặt trời mà còn bất kỳ sóng vô tuyến hoặc năng lượng vi sóng nào. Điều này có nghĩa là, nếu bạn bật điện thoại di động trong nhà, pin mặt trời được làm từ vật liệu nhiều lớp graphene có cấu trúc nano có thể tạo ra năng lượng trong chính ngôi nhà của bạn. Điều này chắc chắn có nghĩa là loại pin mặt trời mới sẽ cần ăng-ten để thu sóng điện từ tầm xa cực rộng. Như vậy chúng ta có thể tạo ra được một pin mặt trời hoàn hảo trong nhà có thể tạo ra năng lượng mà không cần tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp. Vật liệu này có thể được ứng dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau bao gồm năng lượng, quang điện tử và quang phổ.
Trên đây chỉ là một số trong vô vàn các ví dụ về ứng dụng phỏng sinh học trên thế giới. Chúng ta có thể thấy nhiều lợi ích về bảo vệ môi trường mà phỏng sinh học mang lại. Như vậy, chỉ cần học theo cách tự nhiên đang vận hành, chúng ta có thể tiết kiệm được gấp 10 lần, 100 lần, thậm chí 1000 lần năng lượng và các nguồn tài nguyên đang sử dụng. Vì tự nhiên như một “cuốn sách” giới thiệu sản phẩm, và các sản phẩm đó đã được hưởng lợi từ một giai đoạn nghiên cứu và phát triển kéo dài 3,8 tỷ năm. Hãy còn nhiều điều trong cuốn sách này chờ chúng ta khám phá – Để lấy lại sự bền vững cho hành tinh này, nhiệm vụ của chúng ta là phải đưa những thiết kế kiến trúc bền vững này ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng chung của tương lai.
ThS. Lê Thị Thu Hà
Đại học Duy Tân
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: