Bán khống trong giao dịch tài chính
Trong giao dịch chứng khoán, bán khống là bán một loại chứng khoán mà người bán không sở hữu tại thời điểm bán, cụ thể hơn là bán chứng khoán vay mượn. Bán khống một cổ phiếu là giao dich hoàn toàn đối lập với việc mua một cổ phiếu. Bán khống một cổ phiếu có nghĩa là người bán đang cho rằng giá cổ phiếu đó sẽ sụt giảm chứ không giống như khi mua một cổ phiếu và hi vọng giá của nó tăng lên. Khi nhà đầu tư dự đoán trong tương lai giá cổ phiếu sẽ giảm, họ sẽ đi vay cổ phiếu của CTCK để bán; sau khi giá hạ, họ sẽ mua cổ phiếu đó trên thị trường để trả lại và hưởng khoản chênh lệch giá. Nhưng nếu giá trên thị trường không hạ như dự đoán mà lại tăng lên, đến kỳ hạn trả lại, nhà đầu tư đó sẽ phải mua chứng khoán với giá cao hơn và chấp nhận bị lỗ.
Giả sử, một người vay mượn cổ phiếu A với giá 100.000đ/cp và bán đi ngay. Sau đó, giá cổ phiếu A giảm xuống còn 80.000đ/cp, người này mua cổ phiếu A để trả lại. Như vậy, người đó thu về 20.000đ/cp. Trong trường hợp cổ phiếu A tăng giá sau khi mua thì người đó sẽ bị lỗ vì phải mua trả lại với giá cao hơn.
Để đảm bảo an toàn, CTCK triển khai nghiệp vụ này thường yêu cầu người vay chứng khoán ký quỹ một khoản tiền nhất định, tuy nhỏ hơn giá trị chứng khoán đi vay nhưng đủ để bù đắp khoản lỗ nếu có. Trong quá trình chưa trả được nợ, nếu giá thị trường tăng lên thì người bán khống (người vay) phải bổ sung thêm tiền ký quỹ. Ngược lại, nếu giá giảm thì người vay có thể rút bớt ra để sử dụng.
Bán khống chứng khoán cũng là một hình thức khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường, bởi họ vẫn có thể kiếm được lời khi cổ phiếu giảm giá, trong khi mua bán theo cách bình thường, họ chỉ kiếm được lời khi cổ phiếu tăng giá.
Bán khống là một khái niệm tài chính còn tương đối mới mẻ đối với TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, nghiệp vụ bán khống đã được một số TTCK trên thế giới thực hiện từ rất lâu và hiện trở nên phổ biến ở TTCK các nước phát triển. Ngiệp vụ kiếm lợi thông qua giá cổ phiếu giảm đã được bắt nguồn ít nhất từ thế kỉ thứ 18 ở Anh. Những người thực hiện mua bán cổ phiếu kiếm lãi thông qua giá cổ phiếu xuống thấp thường bị nghi ngờ là làm giàu thông qua việc nghèo đi của người khác (vì số những người này rất ít, nhưng nếu giá cổ phiếu giảm xuống thì rất nhiều người đầu tư vào chứng khoán sẽ bị thua lỗ, thậm chí phá sản). Tuy nhiên, các nghiên cứu đều kết luận rằng bán khống đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo nên tính hiệu quả của thị trường tài chính.
Nghiệp vụ bán khống cũng được thực hiện rất phổ biến trên lĩnh vực tiền tệ ngoại hối (forex) do tính thanh khoản cao.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: