Cuộc chiến Trung Đông: Các kịch bản giá dầu
Giống như mọi cuộc chiến ở Trung Đông trong quá khứ, xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ 2 tuần qua có khả năng làm cho giá dầu nhảy múa và gián đoạn nền kinh tế thế giới, thậm chí khiến toàn cầu rơi vào suy thoái nếu có thêm nhiều quốc gia tham chiến.
Kịch bản 1: Xung đột giới hạn ở Dải Gaza
Xung đột ở Trung Đông có thể gây chấn động khắp thế giới vì khu vực này là nguồn cung cấp năng lượng và là tuyến đường vận chuyển quan trọng. Bloomberg Economics đã xem xét tác động của cuộc đụng độ nổ ra hôm 7/10 vừa qua có thể xảy ra đối với tăng trưởng và lạm phát toàn cầu theo 3 kịch bản, mà đầu tiên là khi sự thù địch chủ yếu vẫn giới hạn ở Dải Gaza và Israel.
Giao tranh không lan rộng ra ngoài lãnh thổ Palestine và tác động của nó đến giá dầu - cũng như nền kinh tế toàn cầu - là không đáng kể.
Tác động đến nền kinh tế toàn cầu theo kịch bản này được cho sẽ là rất nhỏ, đặc biệt nếu Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bù đắp được lượng dầu thiếu hụt của Iran bằng công suất dự phòng của họ.
Kịch bản 2: Cuộc chiến ủy nhiệm
Nếu xung đột lan sang Lebanon và Syria, nơi Iran cũng hỗ trợ các nhóm vũ trang, nó thực sự sẽ biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Iran và Israel - và tổn thất kinh tế sẽ tăng lên.
Sự leo thang trên các tuyến đường này sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, có khả năng khiến giá dầu tăng cao.
Tác động kinh tế toàn cầu trong kịch bản này đến từ 2 “cú sốc”: Giá dầu tăng 10% và động thái né tránh rủi ro trên thị trường tài chính giống như những gì đã xảy ra trong Mùa xuân Ả Rập. Trên thực tế, chỉ số VIX - một thước đo được sử dụng rộng rãi để tránh rủi ro - đã tăng 8 điểm.
Giá dầu cao hơn cũng sẽ làm tăng thêm khoảng 0,2% vào lạm phát toàn cầu - giữ ở mức gần 6% và duy trì áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi tăng trưởng gây thất vọng.
Kịch bản 3: Chiến tranh Iran - Israel
Xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel hiện vẫn còn là một kịch bản ít có khả năng, nhưng lại vô cùng nguy hiểm, được xem là tác nhân gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng cao và tài sản rủi ro sụt giảm sẽ giáng một đòn đáng kể vào tăng trưởng và khiến lạm phát tăng cao hơn.
Với khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới đến từ vùng Vịnh, giá sẽ tăng vọt nếu Israel và Iran thực sự nã tên lửa vào nhau. Giá dầu thô được dự báo có thể sẽ không tăng gấp 4 lần như năm 1973 - khi các quốc gia Ả Rập áp đặt lệnh cấm vận để trả đũa việc Mỹ hỗ trợ Israel trong cuộc chiến năm đó, nhưng có thể tăng tương ứng với những gì đã xảy ra sau cuộc xâm lược Kuwait năm 1990 của Iraq.
Mức tăng đột biến này hiện có thể đưa giá dầu lên tới 150 USD/thùng. Năng lực sản xuất dự phòng ở Ả Rập Saudi và UAE được tin cũng không cứu vãn được tình thế nếu Iran quyết định đóng cửa eo biển Hormuz, nơi mà 1/5 nguồn cung dầu hằng ngày của thế giới đi qua. Cũng sẽ có một sự chuyển dịch né tránh rủi ro cực đoan hơn trên thị trường tài chính - có thể ngang với mức tăng 16 điểm của VIX vào năm 1990.
Dựa vào những con số trên, mô hình của Bloomberg Economics dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 1% - khiến con số cho năm 2024 giảm xuống còn 1,7%. Một lần nữa, bỏ qua cú sốc Covid-19 và khủng hoảng tài chính toàn cầu, đây cũng sẽ là mức tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ năm 1982 - giai đoạn mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát từ cú sốc dầu mỏ trong những năm 1970.
Một cú sốc dầu lớn như thế này cũng sẽ làm chệch hướng nỗ lực kiềm chế giá cả trên toàn thế giới, khiến lạm phát toàn cầu ở mức 6,7% trong năm tới.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: